Cherry là một trong những loại trái cây được yêu thích vì chúng chứa một lượng lớn các vitamin, khoáng chất cũng như các hợp chất thực vật có lợi. Vậy ăn nhiều cherry có tốt không?
Quả cherry (anh đào) được biết đến như một loại trái cây lành mạnh, bởi các thành phần trong quả cherry có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư, giảm viêm, đau cơ khớp, cả hệ tiêu hóa và tim mạch…Tuy nhiên, ăn nhiều quả cherry có thể khiến bạn phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe.
1. Ăn nhiều cherry có tốt không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày người bình thường chỉ nên tiêu thụ một lượng khoảng 200gr cherry. Không nên ăn quá nhiều một lúc vì sẽ không tốt cho cơ thể.
Mặc dù quả cherry không có khả năng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng nếu bạn ăn nhiều quả cherry, bạn sẽ có thể gặp phải chứng đầy hơi khó chịu, dị ứng và cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng.
1.1 Đầy hơi khó tiêu
Cherry chứa nhiều chất xơ, mặc dù chất xơ không phải chất có hại cho cơ thể nhưng nếu bạn ăn nhiều quả cherry bạn có thể bị đầy hơi, đau bụng, khó tiêu.
1.2 Dị ứng
Mặc dù không phổ biến nhưng bạn có thể gặp tình trạng dị ứng khi ăn quả cherry. Thông thường, người bị dị ứng với quả anh đào thường có các triệu chứng như cổ họng đóng lại, khó thở và nổi mề đay.
Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng quả cherry, bạn bạn cần loại bỏ quả cherry ra khỏi chế độ ăn uống và nên trao đổi cùng bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình.
Lưu ý: Khi bạn bị dị ứng với quả cherry, có khả năng bạn cũng bị dị ứng với các loại trái cây khác như quả táo, quả nho, quả đào, quả mơ hay hạt phỉ.
1.3 Mất cân bằng dinh dưỡng
Cherry là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng bị thiếu hụt dưỡng chất nếu chỉ ăn cherry mà bỏ qua các nguồn thực phẩm khác.
Có thể quả cherry rất giàu carbohydrate, bao gồm đường tự nhiên, chất xơ, vitamin C và kali, nhưng chúng lại thiếu hụt các vitamin và khoáng chất khác như protein hay chất béo không bão hòa đơn, điều này sẽ khiến cơ thể bạn bị mất cân bằng dinh dưỡng.
1.4 Ngộ độc
Quả cherry không gây ngộ độc nhưng hạt cherry lại nằm trong top 10 thực phẩm độc hại. Trong hạt cherry có chứa cyanogenic hoặc cyanide-forming glycosides có thể hình thành amygdalin khi bạn nhai chúng.
Khi vào cơ thể, chất này sẽ biến thành xyanua hydrogen có thể gây ức chế nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, thậm chí gây tử vong. Dấu hiệu ngộ độc chất xyanua khi ăn phải hạt cherry là: cồn cào ruột, đau đầu, buồn nôn… nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
2. Những thực phẩm không nên ăn cùng quả cherry
Không chỉ gây bất lợi cho cơ thể khi được tiêu thụ quá nhiều, quả cherry còn được ghi nhận là không có lợi khi được tiêu thụ cùng một số loại thực phẩm như:
- Cà rốt: Cherry được khuyến nghị không nên ăn cùng cà rốt, vì chất ascorbate trong cà rốt sẽ làm giảm tác dụng của vitamin C đối với cơ thể.
- Dưa deo: Cherry chứa nhiều vitamin C, tuy nhiên, nếu ăn cùng dưa leo thì lượng vitamin C có thể sẽ giảm, bởi những enzyme trong dưa leo sẽ loại bỏ vitamin C trong quả cherry, từ đó làm giảm sự hấp thu vitamin C vào cơ thể.
- Gan động vật: Hàm lượng vitamin C trong quả cherry có thể bị oxy hóa bởi các ion đồng và sắt có trong gan động vật. Khi các vitamin C này bị oxy hóa sẽ khiến cho cherry bị mất đi giá trị dinh dưỡng ban đầu.
3. Cách gia tăng các tác dụng của cherry mang lại
Để gia tăng những tác dụng của quả cherry mang lại cho sức khỏe thì bạn nên thử ăn những quả cherry đông lạnh, uống nước ép cherry nguyên chất 100% và quả cherry khô không có chất bảo quản.
Ngoài ra có thể cắt cherry khô trộn vào socola đã nấu chảy mềm hoặc rắc lên các món rau trộn, rau đã nấu chín để tăng thêm hương vị cho món ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Như vậy, bên cạnh các lợi ích về sức khỏe quả cherry cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực cho thể. Tuy những tác dụng phụ của quả cherry là không nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn cần lưu ý khi sử dụng loại trái cây này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính bản thân và gia đình.