Home Nông sản Cách trồng dưa lưới trong chậu, quả ngọt chuẩn chuyên gia

Cách trồng dưa lưới trong chậu, quả ngọt chuẩn chuyên gia

Tết Nguyên Đán gần kề dưa lưới trở thành loại trái cây được nhiều gia đình lựa chọn cho việc chưng cúng cũng như đãi khách. Nếu bạn có một khoảng diện tích vườn nhà, sân thượng nho nhỏ thì tại sao lại không tự trồng dưa lưới? Biết cách trồng dưa lưới tại nhà là việc hoàn toàn có thể, trái sẽ rất ngon ngọt và cực kỳ an toàn – vì tự tay mình trồng mà! Để các bạn có thể tự trồng dưa lưới ngay trên sân thượng nhà mình

1/ Điều kiện, thời vụ trồng dưa lưới Tết tại nhà

1.1 Ở đâu trồng được dưa lưới?

Dưa lưới thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng. Dưa lưới có thể trồng được ở cả ba miền Bắc Trung Nam. Tuy nhiên vì điều kiện khí hậu khác nhau nên mùa vụ trồng dưa lưới ở mỗi miền cũng khác biệt. Miền Nam có thể trồng quanh năm, miền Trung và miền Bắc hạn chế trồng mùa mưa bão, rét lạnh.

1.2 Miền Bắc trồng dưa lưới vào tháng mấy (dương lịch) là tốt?

Miền Bắc thường có 2 vụ trồng chính. Chính là vụ Xuân bắt đầu trồng từ tháng 2 đến đầu tháng 3 và cho thu hoạch tháng 4 và tháng 5. Vụ thu Đông trồng từ tháng 8 – 9 cho thu tháng 11 – 12.

Tuy nhiên khi trồng dưa lưới tại nhà trong thùng xốp có nhà lưới thì có thể tăng thêm một vụ nữa. Trồng từ tháng 2 đến tháng 9, chỉ cần tránh gieo trồng từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Vì thời điểm này thời tiết khá lạnh dưa không thể phát triển được. Nhiệt độ thích hợp để trồng dưa ở 20-35 độ C. Ngoài nhiệt độ này thì dưa chậm, kém phát triển, chất lượng và năng suất dưa giảm đáng kể.

Cách trồng dưa lưới tại nhà từ A - Z
Cách trồng dưa lưới tại nhà từ A – Z

1.3 Lịch gieo trồng dưa lưới vụ Tết năm 2022

Lịch trình ươm vụ tết các vùng miền và các loại giống cơ bản. Năm nay 1/2/2022 (DL) tương ứng 1/1/2022 (AL)

  • Miền Bắc và Bắc Trung Bộ (Quảng Trị trở lên): không thể chơi, nếu vẫn muốn có thể thử các loại dưa ngắn ngày như dưa lê thu hoạch tầm 65 ngày sau gieo. Gợi ý: Lê vàng Kim Hoàng Hậu, Lê Hàn Quốc, ThongKham 999 và các loại dưa lê khác. Ngày gieo: 15/11/2021 (DL) mục tiêu 65 ngày nhưng chúng ta đề phòng không khí lạnh nhiều nên dự tính sẽ là 75 ngày.
  • Quảng Ngãi – Huế, và các tỉnh Tây Nguyên: thời tiết sẽ có những đợt lạnh và cây sẽ chậm hơn so với Nam Trung Bộ trở xuống tầm 7 – 10 ngày. Nên thời gian ươm sẽ sớm hơn Các tỉnh Nam Trung Bộ tầm 7 – 10 ngày, tương ứng với mỗi giống (Xem lịch ươm của vùng Nam Trung Bộ trở xuống tự trừ ra ngày ươm).
  • Các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ: thời tiết chang hoà và thích hợp trồng dưa lưới tất cả các giống. Tuỳ vào gu và sở thích, các bạn có thể chọn và xem lịch ươm. Vụ này sẽ gặp 1 ít khó khăn ở giai đoạn đầu khi ươm hạt sẽ gặp 1 – 2 cơn bão cuối năm (nửa cuối tháng 11 DL).

==> Các giống dài ngày: Bimei, Tasman, Takeda, Moulin, Mariage,… thời gian trồng 85 – 90 ngày. Lịch các bước sẽ như sau 21/10/2021 trộn ủ đất kỹ càng, đến ngày 2/11/2021 ngâm hạt và ươm cây con.

==> Các giống cận dài ngày: Honey Red, Hami các loại, KimLong 25/11/2021 trộn ủ đất, 6/11/2021 ngâm hạt rồi ươm cây.

==> Các giống trung hạn như Sweet 655, dưa Thái, TL3, To Love 999, thời gian tầm 72 ngày sau trồng nên trộn ủ đất chuẩn bị tầm ngày 5/11/2021, đến ngày 18/11/2021 ngâm hạt.

==> Các giống ngắn ngày như dưa Lê: Lê sọc vàng Lihua, Kim Hoàng Hậu, Johnny Seed (các giống của Johnny Seed), Lê Hàn,… thì 15/11/2021 trộn ủ đất, 23/12/2021 bắt đầu ngâm hạt.

Bây giờ chúng ta đã có thể lên kế hoạch ăn tết được rồi. (Lịch trồng tham khảo từ facebook AloneWay Mid)

2/ Chuẩn bị trồng dưa lưới trong chậu

2.1 Hạt giống dưa lưới

Hiện nay có khá nhiều giống dưa lưới như: Taki Nhật, Bảo Khuê, Chu Phấn, Khang Nguyên, Kim Ngân, Phụng Tiên, Thiên Nữ,… Dưa lưới nội địa có giá từ 500-1.000đ/hạt, còn dưa ngoại thì có giá khá là cao hơn từ 10.000-15.000k/hạt. Tùy vào sở thích, điều kiện mà bạn có thể chọn cho mình giống dưa phù hợp.

Lưu ý khi chọn giống

+ Phải chọn loại hạt giống tốt, kháng bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng miền và từng thời điểm.

+ Hạt giống F1 cho chất lượng cao, quả đạt chuẩn, khả năng nảy mầm cao và không cần ngâm ủ mà có thể trồng trực tiếp.

+ Nếu hạt giống nội địa, không có thương hiệu thì hạt giống có sức đề kháng và nảy mầm kém. Đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến cho năng suất trái.

Hạt giống dưa lưới F2

+ Có thể giữ hạt dưa lưới để trồng lại không? Có thể. Tuy nhiên hạt đã trở thành F2 nên độ ngọt giảm và sức đề kháng của cây không cao. Vì thế, khuyến khích mua giống F1 để đạt năng suất cao và chất lượng quả tốt. Cách lấy hạt giống dưa lưới rất đơn giản, dùng muỗng nạo hạt ra rửa với nước cho sạch lớp nhầy, sau đó phơi khô và bảo quản.

2.2 Vị trí trồng dưa lưới

Dưa lưới là cây ưa sáng nên có thể trồng ở những nơi đầy đủ ánh sáng, ít trực xạ nắng sáng đến 13h. Có thể trồng dưa lưới trên sân thượng, ở ban công thậm chí có thể trồng trên mái nhà.

2.3 Chậu trồng

Vì không gian tại nhà thường khá hẹp, bạn nên chọn cho mình cách trồng trong các thùng xốp có dung tích khoảng 40l. Mỗi thùng xốp trồng được khoảng 1-2 cây, tùy kích thước thùng của bạn. Nên đục một số lỗ thoát nước tại thành thùng cách đáy tầm vài cm, tránh thất thoát nước cũng như dinh dưỡng khi trồng. Ngoài ra bạn có thể dùng chậu nhựa mềm DS6, thùng nhựa, túi PE…

2.4 Chuẩn bị giá thể trồng dưa lưới

Giá thể trồng dưa lưới cần thật tơi xốp, giàu dinh dưỡng, sạch mầm bệnh và thoát nước tốt. Giá thể trồng dưa lưới có rất nhiều loại, chúng tôi sẽ gợi ý 2 loại giá thể nhưng phù hợp nhất sau đây:

– Giá thể tự phối trộn theo tỉ lệ

+ 30 – 35% mụn dừa  đã qua xử lý chất chát

+ 30% đất thịt, đất phù sa

+ 5 – 10% trấu hun nguyên cánh

+ 20% phân trùn quế 

+ 10% phân dơi, phân chuối ủ, bánh dầu,…

+ 5gr vôi đối với chậu nhỏ trồng một cây

Cách trộn giá thể trồng dưa lưới chia đều ra các chậu

Tiến hành trộn đều các thành phần của giá thể, sau đó dùng màng phủ đậy kín và tưới nước ẩm thường xuyên trong 1 tuần trước khi trồng. Sau đó pha chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma tưới lên bề mặt giá thể, tiếp tục đậy kín và tưới ẩm 2 tuần là có thể trồng cây.

Giá thể trồng cây ăn quả đã phối trộn, giàu dinh dưỡng chuyên dùng cho dưa lưới và các loại cây ăn quả.

+ Đủ đầy thành phần tạo độ tơi xốp: trấu hun, mụn dừa, mùn hữu cơ,…

+ Giàu dinh dưỡng dễ tiêu với: phân trùn quế, phân gà,.. không cần bón phân suốt 2 tháng đầu.

+ Sạch mầm bệnh nhờ hệ vsv đối kháng dồi dào, giúp hạn chế nấm bệnh trong đất suốt quá trình dưa lưới sinh trưởng.

2.5 Có bắt buộc làm nhà lưới (nhà màn) trồng dưa không?

Nếu bạn có nhà màn thì sẽ giảm được các tác động ngoài tự nhiên như: mưa, gió,… và đặc biệt là hạn chế đáng kể sâu bệnh hại. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trồng dưa lưới mà không cần nhà màn.

2.6 Dụng cụ trồng khác

Dưa lưới thân nhỏ, thân leo, quả to nên cần dây teo hoặc giá đỡ cho cây phát triển. Vì thế cần thêm dây leo hoặc cây gỗ, thanh tre… để làm giàn leo cho dưa. Khi quả phát triển lớn, trọng lượng nặng mà độ bám kém nên cần có móc treo hỗ trợ quả.

Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị thêm dụng cụ để ươm hạt:

– Khay ươm, bầu ươm, ly nhựa, túi giấy…

– Giá thể ươm hạt: phối trộn theo tỉ lệ 7 mụn dừa : 3 phân trùn quế hoặc dùng viên nén ươm hạt

– Vải (có khả năng giữ ẩm tốt)

3/ Gieo hạt, ươm cây con trồng dưa lưới

– Ngâm hạt với nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) từ 4 – 6 tiếng. Sau đó, dùng vải có khả năng giữ ẩm tốt để ủ hạt.

– Cho giá thể ươm hạt đã chuẩn bị vào đầy bầu ươm, khay ươm.

– Sau 24h ủ, hạt bắt đầu nứt nanh thì tiến hành cho vào bầu ươm.

– Sau đó, phủ một lớp mỏng giá thể lên bề mặt để nơi râm mát và tưới nước giữ ẩm.

– Sau 2 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm.

– Sau 8 – 10 ngày, cây bắt đầu cho 2 lá thật thì đem trồng.

Lưu ý: Từ lúc hạt nảy mầm, chỉ cần tưới nước với lượng vừa đủ để cây phát triển. Nếu tưới quá nhiều sẽ khiến úng hạt không nảy mầm.

4/ Cách trồng cây con dưa lưới ra chậu lớn

Sau khi cây phát triển từ 2 – 3 lá thật, tiến hành trồng vào chậu lớn đã chuẩn bị trước đó. Vì dưa lưới cho trái to nên nếu trồng dưa lưới trong thùng xốp hoặc xô chậu thì phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng.

Tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ cây dưa lưới con ra, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn, vùi kín bầu cây dưới đất và nén cho chặt gốc. Luôn tưới giữ ẩm cho cây trong thời gian đầu. Khoảng cách trồng dưa lưới tại nhà thường là: gốc cách gốc 40cm, hàng cách hàng 120cm.

Lưu ý:

– Nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt.

– Khi trồng cây con xong cần tưới nước mỗi ngày 2 lần và che phủ bằng rơm hoặc tạo bóng râm trong tuần đầu tiên để cây con hồi sức.

Trồng cây con ra chậu

5/ Cách chăm sóc cây dưa lưới trong chậu

5.1 Tưới nước

– Sau trồng cây con cần tưới nước thường xuyên, giữ đủ ẩm cho đất trồng khoảng 0,5 – 0,7l/cây/ngày.

– Khi thời tiết quá nắng nóng, cần tăng lượng nước tưới và tưới ít hơn vào những ngày ẩm mát.

– Đối với cách trồng dưa lưới trong thùng xốp, cần đảm bảo thoát nước tốt tránh gây ngập úng, thối rễ và chết cây.

– Trước khi thu hoạch 8 – 10 ngày, cần cắt giảm lượng nước tưới để tăng độ ngọt và độ giòn của quả.

Tưới dưa lưới
Tưới dưa lưới

5.2 Làm giàn

– Khi cây có 5 – 6 lá thật thì tiến hành làm giàn cho dưa lưới.

– Có thể đóng cọc hoặc dùng dây nilong buộc nhẹ vào giàn lưới.

– Dưa lưới có quả to, nặng nên chú ý đến việc treo quả và tránh để quả làm gãy thân.

5.3 Bón phân

Giai đoạn đầu cần nhiều đạm, giai đoạn tạo hoa trái cần nhiều lân và sắp thu hoạch cần nhiều kali. Cụ thể:

– Phân bón NPK là lựa chọn của nhiều người để dưa lưới cho trái chất lượng. Có thể chọn các loại phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng và tăng độ ngọt tự nhiên cho quả. Chẳng hạn như phân trùn quế, chuồng hoai mục, chuối trứng sữa, đạm cá, rong biển, nước vo gạo,…

– Phân trùn quế tiến hành bón vào 7NST, bón thường xuyên mỗi tuần/lần đến trước khi thu hoạch 7 ngày thì ngưng.

– Phân đạm cá pha loãng, tưới thường xuyên 7 – 10 ngày/lần, từ 10NST đến trước khi thu hoạch 7 ngày thì ngưng.

– Khoảng 20NST cần bón tăng lượng kali nhiều hơn đạm bằng phân dịch chuối, bón hàng tuần cho quả phát triển tốt nhất.

– Đến khi cây được 30NST thì tăng kali đậm hơn, bón cách ngày để giúp quả tăng độ ngọt tự nhiên.

5.4 Cắt tỉa và ngắt ngọn

– Khi cây có 5 – 6 lá thật cần tiến hành cắt tỉa hết các nhánh lẻ, chỉ giữ lại nhánh lẻ khi cây phát triển đến lá thứ 8 hoặc thứ 10.

Cắt tỉa dưa lưới

– Khi cây lớn được 22 – 25 lá thì tiến hành ngắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.

5.5 Thụ phấn

Phân biệt hoa đực hoa cái và thụ phấn dưa lưới
Phân biệt hoa đực hoa cái và thụ phấn dưa lưới

Phân biệt hoa đực và hoa cái

– Hoa cái: Mọc từ nách lá, mỗi nách có 1 hoa. Phía dưới cánh hoa có bầu nhỏ, thụ phấn thành công sẽ phát triển thành quả

– Hoa đực: Mọc từ nách nhánh, mỗi nách có 1 cụm nhiều hoa. Hoa ngắn hơn & không có bầu nhỏ phía dưới giống hoa cái

Thời điểm và thời gian thụ phấn

– Khi thấy đầu hoa cái chuyển vàng là hoa sắp nở thì cần tiến hành thụ phấn để đạt tỉ lệ đậu cao nhất.

– Bạn nên thụ phấn cho hoa vào lúc 6-8h sáng

Cách thụ phấn

– Thụ phấn từ nách lá thứ 9 – nách lá 15 là tối ưu nhất.

– Ngắt hoa đực, vặt sạch cánh, để lại phần nhị hoa chứa phấn màu vàng.

– Xoay đều nhị hoa đực xung quanh nhụy hoa cái. Sợ không đủ phấn thì có thể dùng 2 – 3 hoa đực/1 cái. Hoặc có thể dùng chổi sơn loại nhỏ hoặc bông tăm quét phấn từ nhị đực sang nhụy cái.

Một số vấn đề trước, trong và sau thụ phấn

– Lưu ý tránh cầm nắm hoa cái (xước, gãy). Nếu vườn quá nhiều nên nhờ sự trợ giúp thụ phấn từ ong. Trong giai đoạn chuẩn bị thụ và thụ phấn không nên phun nước lên lá, hoa.

– Nguyên nhân hoa cái vàng trước khi nở là do cây quá yếu, suy dinh dưỡng, chèo quá thấp, côn trùng chích hút, nấm bệnh hoặc bón phân, phun thuốc quá liều.

– Nguyên nhân hoa cái vàng, không phình sau khi thụ giống các nguyên nhân trên, đồng thời do quá trình thụ không hoàn chỉnh, phấn bị ướt, gặp nước, mưa. Nếu trời mưa sau khi thụ, cần thụ phấn lại vào ngày hôm sau.

5.6 Cách tuyển quả và treo quả dưa lưới

– Sau 5-7 ngày thụ phấn, tùy tình trạng vườn nếu thấy hoa cái bắt đầu phình ra là quả đã đậu. Nếu có quá nhiều hoa đậu quả thì có thể ngắt bỏ bớt chỉ để cây ra 2-3 quả phình đều, to nhất, căng da, ít lông, không ghẻ. Tránh việc nuôi quả quá nhiều làm giảm năng suất cũng như chất lượng quả.

– Quả to dần đồng nghĩa với trọng lượng tăng dần. Lúc này, bạn phải dùng dây treo quả cho chắc chắn vào giàn, tránh tình trạng quả quá nặng làm đứt thân cây.

– Lưu ý bọc quả để tránh ruồi vàng chích hút, có thể bọc bằng bao trái cây, túi vải không dệt kích thước 25×30 hoặc bạn có thể dùng bao nylon bọc quả lại nhưng nhớ đục đáy và đục lỗ xung quanh để quả thoáng khí.

5.7 Phòng ngừa sâu bệnh

– Giai đoạn cây 3 – 4 lá thật phun thuốc ngừa bọ trĩ 1 lần (pha 70% theo liều hướng dẫn trên bao bì khi chưa phát hiện bệnh)

– Dùng các loại bẫy pheromone để dẫn dụ ruồi vàng, nên để cách xa khu vực trồng 2 – 3m, tránh để ngay trên cây.

– Khi cây tầm 10 lá thì phun Bihoper ngừa sâu và bọ trĩ tiếp 1 lần ( vẫn pha 70% liều dùng để ngừa nếu chưa phát hiện sâu bệnh)

– Phun vi sinh Emnia – P ngừa nấm bệnh định kỳ 5 ngày/lần từ lúc trồng cây con, liều lượng 10ml/l nước

– Phun vi sinh đối kháng Trichoderma để ngừa bệnh héo xanh cho cây, tưới lần 1 khi cây được 6 – 7 lá thật và lần 2 lúc quả bắt đầu tạo lưới.

– 10 ngày cuối thường xuyên kiểm tra đít quả để tránh bị thối đít, nên tỉa lá dọn vườn thông thoáng, giãn mật độ trồng vào mùa mưa.

Thu hoạch dưa lưới
Thu hoạch dưa lưới

6/ Thu hoạch

Dưa lưới cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ 75 – 90 ngày tùy giống. Tính từ ngày quả bắt đầu phình ra đến ngày chín khoảng 1 tháng. Quả dưa khi chín thường có màu trắng ngà hay màu vàng, mùi thơm, gân lưới xuất hiện rõ. Cuốn của dưa lưới nứt xung quanh. Hái dưa xong bạn để nơi thoáng mát trong nhà thêm một hai ngày nữa khi ăn dưa sẽ ngọt và ngon hơn.

Trước khi thu hoạch dưa nên ngưng nước 7 ngày để dưa ráo nước và giòn ngon.

Nếu muốn tự trồng những quả dưa ngon ngọt, tốt cho sức khỏe và lại có thêm những điều thú vị khi chăm bón cây trái, thì cách trồng dưa lưới tại nhà là mô hình phù hợp cho bạn. Không cần lo ngại về kỹ thuật trồng, chỉ cần bỏ thời gian công sức để chăm sóc dưa lưới, những kinh nghiệm trên sẽ cực kỳ hữu dụng và giúp bạn có một vườn dưa lưới thơm ngon nhất! 

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

PHỔ BIẾN NHẤT