Khoai mì hấp nước cốt dừa – món ăn dân dã, mộc mạc, mang hương vị béo bùi, thơm ngon khó cưỡng. Ai đã thử thì không thể nào không say mê. Nếu bạn đã lỡ yêu mùi vị hấp dẫn này, thì còn chờ gì mà không bắt tay vào bếp làm ngay nào!
1. Chuẩn bị nguyên liệu
Để làm món khoai mì hấp nước cốt dừa thơm ngon, cần chuẩn bị:
- Khoai mì (củ sắn): 2 kg
- Dừa nạo: 100gr
- Nước cốt dừa: 500gr
- Sữa đặc: 200gr
- Đậu phộng: 100gr
- Mè: 20gr
- Lá dứa: 10gr (4 – 5 lá)
- Muối: ½ thìa cà phê
- Dụng cụ: nồi hấp, chảo, tô, dĩa…
2. Cách làm khoai mì hấp nước cốt dừa bùi béo, ăn là nghiện
Bước 1: Sơ chế khoai mì
- Khoai mì rửa sạch đất cát bên ngoài, cắt bỏ phần đầu và đuôi của củ khoai (cắt hơi sâu vào phần thân vì 2 phần này có nhiều độc tố nhất).
- Dùng dao cắt một đường dọc thân củ (nếu củ to quá có thể cắt thành từng khúc nhỏ) rồi lột phần vỏ đi.
- Rửa lại 2 – 3 lần với nước và ngâm vào thau nước để loại bỏ độc tố của khoai. Cho một ít muối để tránh khoai bị đen. Ngâm ít nhất 2 tiếng hoặc để qua đêm càng tốt.
- Rửa lại với nước nhiều lần và để ráo nước.
Khoai mì có độc tố vì thế khâu sơ chế cần phải cẩn thận và đúng cách
Bước 2: Hấp khoai mì
- Bắc nồi hấp lên bếp, xếp ½ lá dứa đã rửa sạch xuống đáy nồi và xếp khoai mì lên xửng hấp bên trên.
- Hấp khoai mì trong 10 – 15 phút ở mức lửa vừa. Khoai chín mềm thì tắt bếp.
- Lưu ý trong lúc hấp khoai, thường xuyên mở nắp để xả bớt hơi độc của khoai.
Bước 3: Làm nước cốt dừa
- Bắc nồi lên bếp, cho 500ml nước cốt dừa, cùng 200gr sữa đặc (gia giảm tùy theo khẩu vị), ½ thìa cà phê muối, phần lá dứa (cắt nhỏ) còn lại vào nồi khuấy đều.
- Bật lửa vừa và khuấy đều tay đến khi hỗn hợp sôi.
Bước 4: Làm khoai mì hấp cốt dừa
- Cho phần khoai mì đã hấp chín vào hỗn hợp nước cốt dừa vừa sôi. Khuấy nhẹ nhàng đến khi nước sệt là đạt.
- Có thể thêm đường hoặc sữa để tăng độ ngọt cho món ăn.
Bước 5: Thưởng thức
- Làm muối mè: mè với đậu phộng rang cho vàng thơm, giã nhỏ trộn cùng một ít muối.
- Cho khoai mì hấp nước dừa ra ngoài dĩa, chén. Rắc lên một ít muối mè (thêm dừa nạo nếu có) để tăng hương vị, màu sắc cho món ăn.
- Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị béo ngậy của dừa hòa quyện cùng vị mềm bùi của khoai mì vô cùng hấp dẫn.
3. Lưu ý khi làm khoai mì hấp nước cốt dừa
Khoai mì hấp nước cốt dừa tuy dễ làm, nhưng để làm thành công ngay lần đầu, có được mùi vị chuẩn cũng như an toàn khi ăn thì cần lưu ý một số điều khi chế biến:
Thành phẩm
- Để khoai sau khi hấp có độ dẻo, mềm, ngọt bùi, ít xơ khi chọn mua hãy chọn các củ có thân dài, suông đều, lớp đất bên ngoài vỏ còn ẩm mềm.
- Khoai mì tuy nhiều dinh dưỡng nhưng cũng ẩn chứa nhiều độc tố nguy hiểm nên cần sơ chế thật kỹ. Khi ăn thấy khoai bị đắng thì nên bỏ.
- Trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ đang mang thai không nên ăn khoai mì hấp nước cốt dừa nhiều vì có thể gây nặng bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm.
4. Giải đáp: Khoai mì hấp nước cốt dừa bao nhiêu calo?
Khoai mì là một trong những loại củ có lượng calo cao. 100gr khoai mì chín chứa 112 calo, cao gấp nhiều lần so với các loại rau củ thông thường.
Dù là thực phẩm có nhiều calo nhưng khoai mì hấp nước cốt dừa lại là món ăn được nhiều người theo chế độ giảm cân yêu thích. Vì lượng tinh bột trong loại củ này chỉ có 2%, chất xơ hòa tan nhiều. Nên khoai mì hoàn toàn không gây tăng cân mà còn cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều và liên tục thì có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, gia tăng khả năng mắc các bệnh về tim, huyết áp. Nếu muốn dùng loại thực phẩm này để hỗ trợ cho quá trình giảm cân thì chỉ dùng một lượng vừa phải từ 70 – 120gr/ khẩu phần ăn.
Hy vọng thông qua chia sẻ trên các bạn sẽ tìm lại được hương vị tuổi thơ từ món khoai mì hấp nước cốt dừa béo ngậy, ngọt bùi này.